14/08/2017

Chủ động, chủ động hơn khi doanh nghiệp gặp khó

Sự chủ động được Bộ trưởng nhắc đến trong các lĩnh vực quản lý thuộc ngành phải là việc làm thường xuyên, và quan trọng hơn, không phải chỉ để đáp ứng những kiến nghị của doanh nghiệp, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu tự thân của mỗi một cán bộ trong hệ thống quản lý, hướng tới tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và thân thiện.

Tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan về tăng trưởng xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thương mại, cũng như tăng trưởng về tín dụng, thu ngân sách hay thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, có một điểm trong bức tranh kinh tế 7 tháng là tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Nếu môi trường đầu tư thuận lợi khiến trong 7 tháng có 73.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn, thì điều kiện và môi trường kinh doanh vẫn tỏ rõ sự khắc nghiệt khi trong cùng thời gian này có 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 16,2% và trên 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 24,5%. Như vậy có 43.000 doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là trong vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng…

Đây thực sự là một vấn đề đáng quan tâm. Một nghiên cứu mới đây của WB Việt Nam chỉ ra rằng, doanh nghiệp nước ta ngày càng là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Năm 1996 doanh nghiệp nước ta tạo ra 103,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,3% tổng GDP; năm 2006 tạo ra 472 ngàn tỷ đồng, chiếm 61% GDP, và năm 2016 vừa qua tạo ra 3,73 triệu tỷ đồng, chiếm 83% GDP. Nghĩa là cứ mỗi một thập niên, bộ phận doanh nghiệp tăng khoảng 20% trong tỷ trọng đóng góp vào GDP và đang tiến nhanh tới sát ngưỡng phổ thông 90% GDP trên thế giới.

Vì lẽ đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào ngày 3/8 đã bàn vấn đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, coi đây là một trong những biện pháp chủ đạo nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tại cuộc giao ban Bộ Công Thương ngày 7/8, chủ đề này tiếp tục được thảo luận với 2 nội dung chính. Một là nghiên cứu đưa ra các phương án tối ưu để giảm mạnh tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan xuất nhập khẩu, theo chỉ đạo của Thủ tướng đang từ 35% như hiện nay xuống 25% và 15% trong hai năm tới.

Hai là rà soát lại các điều kiện kinh doanh. Đây là vấn đề hết sức cấp bách nên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ định lập một tổ làm việc do Vụ pháp chế, Vụ kế hoạch và Chánh Văn phòng rà soát lại các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi ngành quản lý. Bộ trưởng yêu cầu trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn, các đơn vị tham mưu của Bộ phải chủ động, chủ động hơn nữa.

Chủ động rà soát, đưa ra một bức tranh tổng thể cho lãnh đạo Bộ biết: Tỷ lệ các giấy phép ở từng lĩnh vực, cơ sở pháp lý, hiệu quả quản lý, những vướng mắc, bất cập, sự ảnh hưởng (tích cực và tiêu cực) đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp… Đi đôi với đó là đề xuất phương án xử lý để giảm thiểu số lượng giấy phép.

Trên tinh thần đó, trong quá trình sửa đổi, bổ xung Nghị định 19 về kinh doanh khí, ban soạn thảo đã rà soát rất quyết liệt, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, song Bộ trưởng vẫn yêu cầu phải rà soát tổng thể, nhất là với các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, nhằm tránh chồng lấn với các văn bản pháp quy chuyên ngành khác, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, sự chủ động của cơ quan quản lý có thể mở ra hành lang kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thí dụ như sau Bản ghi nhớ về thương mại gạo được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Lương thực Bangladesh thay mặt hai Chính phủ ký gia hạn vào cuối tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gạo nước ta liên tục tăng trưởng, chấm dứt đà giảm sâu diễn ra trong thời gian dài. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 đạt 465.000 tấn với giá trị 201 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo trong 7 tháng đạt 3,3 triệu tấn, giá trị 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đây cũng là mức tăng trưởng hai con số đầu tiên mặt hàng này đạt được kể từ đầu năm đến nay.

Trước đó, một loạt các loại trái cây thanh long, xoài, vải thiều, nhãn, chuối trong nước được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Austalia, Hàn Quốc… là nhờ nỗ lực đàm phán của các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT…

Mặc dù kết quả xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm rất tích cực, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn yêu cầu các đơn vị tham mưu phải bám sát diến biến thị trường, lựa chọn nghiên cứu các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, nhân điều, cao su… đề xuất phối hợp chính sách và hoạt động thị trường giữa Bộ Công Thương với Bộ NN-PTNT, với các địa phương và hiệp hội ngành hàng để đảm bảo xuất khẩu ổn định trong những tháng cuối năm 2017.

Tinh thần chủ động, chủ động hơn nữa còn được Bộ trưởng yêu cầu bám sát 12 dự án tồn đọng của ngành. Hiện Bộ Công Thương đã báo cáo đề xuất các phương án xử lý lên cấp thẩm quyền, nhưng theo Bộ trưởng, đây là thời điểm phải bám sát, nắm lấy cơ hội, vì xuất hiện những động thái đột biến đối với một số dự án ethnol, bột giấy, phân đạm theo hướng thuận lợi, giúp cho có thể giải quyết các dự án nhanh hơn, tốt hơn.

Sự chủ động được Bộ trưởng nhắc đến trong xây dựng thể chế, trong bám sát các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành, trong hỗ trợ doanh nghiệp được hiểu là việc làm thường xuyên, và quan trọng hơn, không phải chỉ để tháo gỡ những khó khăn, đáp ứng những kiến nghị của doanh nghiệp, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu tự thân của mỗi một cán bộ trong hệ thống quản lý, hướng tới tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và thân thiện.

Theo Tapchicongthuong.vn