Chính sách cho Công nghiệp hỗ trợ: Vượt qua nỗi lo “ế” (ngày đăng 12/07/2018)
Từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tháng 12/1987 đến tháng 5/2018, Việt Nam thu hút được 25.691 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD.
Vốn FDI chiếm 22- 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 55% giá trị sản lượng công nghiệp, nhưng công nghiệp hỗ trợ nước ta chưa phát triển cả về số lượng doanh nghiệp và tỷ lệ cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam.
Đến nay Việt Nam mới chỉ có khoảng 1.800 doanh nghiệp làm CNHT chiếm gần 0,3% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp cả nước. Một con số quá nhỏ bé, quá ít ỏi đối với một nước muốn tiến lên công nghiệp hóa.
Năm 2015 Chính phủ Ban hành Nghị định 115 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, với những ưu đãi dành cho: Nghiên cứu và phát triển; Ứng dụng và chuyển giao; Phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ phát triển thị trường…. Nhưng Nghị định này có nguy cơ bị “ế”; nhận nhiều ưu đãi nhưng doanh nghiệp khó tham gia, khó hưởng ứng chính sách vì khó khăn trong tìm đầu ra, tức tìm được doanh nghiệp lớn để làm gia công công, mặc dù các cơ quan quản lý đã ban hành quy hoạch phát triển 6 nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ.
Tại cuộc họp giao đầu năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hết sức sốt ruột khi cắt ngang phát biểu của một đơn vị tham mưu rằng, đừng nói những chiến lược, quy hoạch nữa, hãy đưa ra những đề án, dự án cụ thể, với những biện pháp cụ thể để cho phép các nhà đầu tư có tiềm lực, có thể tiếp cận, kết nối được với hệ thống các nhà sản xuất trong nước, tạo nên những chuỗi sản xuất nhằm gia tăng giá trị nội địa hóa sản phẩm.
Đây là điểm khởi đầu, để sau đó, Bộ Công Thương đề xuất và được chấp thuận cho thành lập Tổ công tác liên ngành đến làm việc với hàng loạt cơ sở ô tô như Thaco, Huyndai Thành Công, Toyota, Công ty Cổ phần ô tô TMT… nhằm đánh giá toàn diện thực trạng ngành ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực.
Cuộc khảo sát được báo cáo lên Chính phủ, kết quả là, tháng 10, tháng 11 năm 2017, bộ 3 văn bản: Nghị định 116, Nghị định 125 và Thông tư 03 về sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu ô tô được ban hành. Sự đột phá của bộ 3 văn bản này là, hàm lượng nội địa hóa tỷ lệ thuận với mức ưu đãi. Năm 2017 và đầu 2018 có hàng loạt sự kiện hâm nóng thị trường ô tô:
– Tháng 4 năm 2017 Trường Hải rót thêm 20.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Thaco Mazda tại Quảng Nam công suất 100 ngàn xe/năm.
– Đầu tháng 9, Tập đoàn BMW chuyển quyền phân phối ôtô BMW cho Thaco, cho phép sản xuất trong nước thay vì chỉ nhập khẩu.
– Cuối tháng 9, Vingroup khởi công Nhà máy ô tô Vinfast.
– Cuối năm 2017 Mitsubishi mở thêm nhà máy thứ 2 ở Bình Dương, công suất gấp 20 lần nhà máy thứ nhất.
– Tháng 2 năm 2018, Hyundai Hàn Quốc triển khai dự án sản xuất ô tô thứ 2 tại Ninh Bình, bên cạnh việc đã chuyển giao lắp ráp cho Huyndai – Thành Công.
– Đầu tháng 3 năm 2018, ĐSQ Hàn Quốc tại Việt Nam gửi công hàm tới Văn phòng Chính phủ; trong đó khẳng định, Nghị định 116, 125 ảnh hưởng tích cực tới đầu tư của Hàn Quốc vào lĩnh vực ô tô tại Việt Nam.
– Tháng 5 năm 2018, Toyota Việt Nam quyết định nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất và tăng công suất nhà máy lên trên 90.000 xe.
v.v và v.v… Các sự kiện trên diễn ra ở nhiều khu công nghiệp ô tô, ở cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhưng đều chung một hướng: chuyển mạnh sang sản xuất thay vì đơn thuần lắp ráp.
Những sự kiện trên cho thấy, những chính sách cụ thể, nhằm vào những đối tượng giàu tiềm năng có khả năng kích thích cả trên thị trường đầu tư, thị trường sản xuất và thị trường tiêu dùng, điều mà hơn 20 năm nay công nghiệp ô tô loay hoay tìm hướng đi. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho hoạch định chính sách với những nhóm ngành hàng công nghiệp hỗ trợ khác.
Có hai con đường giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Một là làm vệ tinh cho các nhà tổng thầu nước ngoài hoặc các hãng có tên tuổi để trở thành một mắt xích cung ứng thiết bị phụ tùng cho họ. Hai là liên kết với nhau để đáp ứng đơn hàng, gói thầu, như Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam liên kết với Tập đoàn Technip, ThyssenKrupp ký hợp đồng mở rộng Tổ hợp NH3 của Nhà máy NPK Phú Mỹ.
Dù đi theo con đường nào thì điều cấp bách nhất vẫn phải là thực hiện bằng được các chương trình quản lý chất lượng của châu Âu, Mỹ, Nhật. Tiếp đến phải có một chương trình đào tạo cho cán bộ, công nhân kỹ thuật thực hiện các dự án có tác phong công nghiệp để thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng mới có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng.
Bộ Công Thương bên cạnh việc tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước với doanh nghiệp FDI còn tổ chức nhiều hoạt động kết nối đào tạo nhân lực, tư vấn quản trị doanh nghiệp.
“Chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam cung ứng linh phụ kiện cho Samsung”. Chuyên gia Samsung từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn. Kết quả: Công ty In – Đóng gói bao bì Goldsun giảm tỷ lệ hỏng máy 72%; tăng tỷ lệ sản xuất đúng kế hoạch từ 17% lên 94%; giảm 50% sự phàn nàn của khách hàng. Công ty Mida, hiệu suất tổng hợp thiết bị tăng 26%; năng suất vận hành thiết bị tăng 59%; tỉ lệ hàng lỗi giảm 52%; tỉ lệ hàng tồn kho giảm 54%.
“Chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng”do chuyên gia Hàn Quốc đảm nhiệm. Năm 2016 có 10 doanh nghiệp được tư vấn; năm 2017 và 2018 có 24 doanh nghiệp được tư vấn. Công ty TNHH Minh Mẫn giảm 72% tỉ lệ lỗi ở đầu vào; giảm 22% tỉ lệ hàng lỗi công đoạn kiểm tra đầu/giữa/cuối; giảm tồn kho thành phẩm từ 3,6 tỷ đồng trong 29 ngày xuống còn 1,1 tỷ đồng trong 8 ngày. 12 doanh nghiệp tham gia chương trình trở thành nhà cung ứng cấp 1 hoặc cấp 2 cho Samsung.
“Chương trình đào tạo 200 chuyên gia tư vấn công nghiệp hỗ trợ trong 2018 và 2019 cho Việt Nam”. Mục tiêu: Mỗi năm đào tạo 100 chuyên gia tư vấn người Việt Nam có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp cung ứng trong ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp này nắm bắt được cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hỗ trợ gián tiếp thông qua những chính sách tạo ra động lực sản xuất ở trong nước thay vì nhập khẩu; hay hỗ trợ trực tiếp bằng cách kết nối doanh nghiệp tiềm năng trong nước với doanh nghiệp FDI cũng đều nhằm đến phát triển các nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 và cấp 3 trong nước; thông qua đó làm cho xuất khẩu, đầu tư FDI lan tỏa mạnh hơn, doanh nghiệp Việt Nam nằm ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi công nghiệp hỗ trợ phát triển, nền công nghiệp quốc gia mới phát triển mang tính bền vững.
Chính sách, nói cho cùng là một phần nguồn lực vô hình của Nhà nước dành cho doanh nghiệp. Khi chính sách chưa mời gọi được doanh nghiệp tham gia, nguồn lực ấy trôi ngang qua vô ích. Khi chính sách sát thực với nhu cầu thực tế, chẳng những tạo đà cho doanh nghiệp nương theo đó phát triển, mà còn giải tỏa được tâm lý “ế” chính sách; giống như con đường, cây cầu làm xong rồi, có nhiều người sử dụng, niềm vui như nhân lên 3-4 lần.
Theo Tapchicongthuong.vn
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024