07/12/2021

CÂU CHUYỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI KHU VỰC NÔNG THÔN TỪ GÓC NHÌN CỦA CHUYÊN GIA

Nhằm tìm hiểu về việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Đào Ngọc Thành Trung tâm FIMO thuộc đại học Quốc gia Hà Nội về lĩnh vực này.

Hỏi: Xin ông cho biết thực trạng về công tác quản lý sản xuất và quản lý doanh nghiệp hiện nay tại các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Ông Đào Ngọc Thành: Trong khuôn khổ hợp tác giữa 02 đơn vị, trong thời gian vừa qua Trung tâm FIMO thuộc đại học Quốc gia Hà Nội của chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 tiến hành khảo sát các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Quan khảo sát, chúng tôi nhận thấy các cơ sở công nghiệp nông thôn có nhiều mô hình tổ chức khác nhau như Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tuy nhiên đặc thù chung là xuất phát từ các hộ gia đình, các làng nghề.

Về quản lý sản xuất:

Trong bối cảnh nền công nghiệp phát triển như hiện tại. Hầu hết các cơ sở đã có ứng dụng các công nghệ, máy móc sản xuất hiện đại trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên công tác quản lý sản xuất về cơ bản vẫn theo phương pháp thủ công, sử dụng sổ sách ghi chép tay hàng ngày.

Về quản lý doanh nghiệp:

Nói về vấn đề quản trị doanh nghiệp thì có rất nhiều. Tuy nhiên ở đây tôi xin phép trả lời về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Về vấn đề này, qua quá trình tham gia khảo sát cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở công nghiệp nông thôn là khá hạn chế. Một số cơ sở đã có ứng dụng các phần mềm kế toán, còn lại chủ yếu sử dụng excell, thậm chí sổ sách viết tay trong quản lý các thông tin của doanh nghiệp.

Hỏi: Trong xu thế số hóa các lĩnh vực sản xuất và quản trị doanh nghiệp, đâu là khó khăn, hạn chế của các doanh nghiệp tại khu vực công nghiệp nông thôn?

Ông Đào Ngọc Thành: Ở đây chúng ta đang nói về việc tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ mới của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Theo tôi có 3 vấn đề lớn nhất.

Nhân lực:

Có sự không đồng đều về trình độ của nhân lực trong các bộ phận tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Khó khăn trong việc thu hút nhân lực có trình độ cao để vận hành và ứng dụng tối đa tính năng của các ứng dụng công nghệ thông tin do đặc thù phân bổ nguồn nhân lực ở nước ta. Vì vậy, khả năng tiếp cận và làm chủ các ứng dụng công nghệ là rào cản lớn nhất.

cds1

Ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc của chuyển đổi số. (Ảnh: Công Hùng)

Mô hình tổ chức và quy trình quản lý:

Để đảm bảo ứng dụng các ứng dụng về quản lý sản xuất và quản trị doanh nghiệp đòi hỏi có sự phân cấp và phân công công việc rất cụ thể giữa các khâu và các bộ phận trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở các cơ sở công nghiệp nông thôn điều này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Dẫn đến khi áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hiện có trên thị trường gặp nhiều bỡ ngỡ.

Chi phí đầu tư:

Chi phí đầu tư để ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành cũng là một thách thức đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn. Rất khó để một doanh nghiệp vừa và nhỏ bỏ ra một hai trăm triệu 1 năm để thuê các ứng dụng công nghệ thông tin hoặc bỏ ra một vài tỉ để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho quản lý điều hành.

Hỏi: Chúng tôi được biết Trung tâm có phối hợp với Trung tâm Khuyến Công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 khảo sát và lập kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp. Xin ông có thể cho biết về vấn đề này?

Ông Đào Ngọc Thành: Thời gian vừa qua, cũng trong khuôn khổ các cuộc khảo sát của 02 Trung tâm, các chuyên gia cũng đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tối ưu nhất nhằm hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Qua đây chúng tôi cũng tiếp thu được rất nhiều ý kiến và mong muốn về nhu cầu chuyển đổi số tại các loại hình doanh nghiệp này. Nhìn chung, mong muốn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã được nhìn nhận và đánh giá là thưc sự cần thiết. Có thể nói đến một số ứng dụng về quản lý vật tư, quản lý tiến trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý tài chính doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm và thương hiệu, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử… Tuy nhiên, cách tiếp cận và phương pháp giải quyết vấn đề sẽ có những đặc thù rất khác so với các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp tại khu vực thành thị. Mục tiêu đặt ra là phải đưa ra được các giải pháp đơn giản, trực quan, dễ sử dụng, không quá phức tạp nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng như các tính năng cơ bản đáp ứng như cầu quản trị và điều hành cho các doanh nghiệp này với mức chi phí hợp lý.

Theo chúng tôi, các cơ sở công nghiệp nông thôn hiện nay cấn triển khai 03 cấp độ để chuyển đổi số cho đơn vị của mình:

Cấp độ 1: Sẵn sàng. Các hoạt động thiết yếu như kinh doanh/bán hàng, sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng đều sử dụng nền tảng/giải pháp số.

Cấp độ 2: Phát triển. Hướng đến ứng dụng chuyển đổi số giúp tự động hóa nâng cao năng suất, như Tự động hóa bán hàng và vận hành nội bộ, triển khai Mobile App cho khách hàng & nhân viên. Mọi Dữ liệu tập trung trên cloud để làm nền tảng cho cấp độ 3.

Cấp độ 3: Đột phá. Sử dụng dữ liệu/Big Data, AI để phân tích dự báo kinh doanh, từ đó phát hiện thị trường mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới; giúp doanh nghiệp phát triển đột phá.

cds2

Ảnh minh họa

Vừa qua, tại Hội thảo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ (doanh nghiệp SMEs) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức cũng đã công bố “Bộ Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs”. Bộ khung sẽ hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp ở từng quy mô lĩnh vực hoạt động biết mình đang ở đâu trên lộ trình chuyển đổi số, nên bắt đầu từ đâu, dùng những công cụ gì và làm thế nào để tăng tốc đột phá chuyển đổi số. Đây cũng là một tài liệu tham khảo rất tốt cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Các cơ sở của chúng ta có thể tham khảo tại Bộ tài liệu tại Website: www.dx4sme.vn.

Thay mặt những người làm công tác Khuyến công xin chân thành cảm ơn ông đã có những chia sẻ hữu ích về chuyển đổi số đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hy vọng trong những năm tới hai Trung tâm sẽ có những hợp tác chặt chẽ và cụ thể các nội dung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn từng bước thực hiện thành công chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện: Minh Hiển – IPC1