Cải cách hành chính vừa là khoa học, vừa là nhân văn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị phổ biến, tập huấn công tác cải cách hành chính và nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2018, tổ chức sáng ngày 18/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng cải cách thủ tục hành chính là một quá trình mang tính liên tục và không thể có điểm dừng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khai mạc hội nghị tập huấn công tác cải cách hành chính
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã đặt vấn đề thủ tục hành chính là vấn đề khoa học, nó không có điểm cuối cùng, phải thường xuyên nghiên cứu cải tiến, biến nó thực sự trở thành khoa học trong công tác quản lý. Đồng thời, thủ tục hành chính không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề nhân văn bởi đây là cách giao tiếp giữa con người và con người.
“Chính vì mang tính khoa học và nhân văn nên chúng ta phải luôn đặt ra mục tiêu làm cho thủ tục hành chính khoa học và nhân văn hơn nữa. Đó là cái gốc của cải cách hành chính”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu quan điểm.
Một cách cụ thể hơn, Thứ trưởng cho rằng, trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cần phải có nhiều giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp và người dân nộp hồ sơ qua mạng, ít ra là cả với những dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Có như vậy thì việc cải cách các thủ tục hành chính mới thực chất và có ý nghĩa.
Báo cáo về những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương nêu tại hội nghị cho biết, trong năm 2018 Bộ Công Thương đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo riêng về cải cách hành chính, chưa tính chỉ đạo của lãnh đạo Bộ tại các văn bản có liên quan. Các văn bản này đã hướng vào trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt về cải cách thể chế, tính đến ngày 28/11/2018, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 5 nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành được 48 thông tư, đạt tỷ lệ hoàn thành 93%.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có 35 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 104 dich vụ mức độ 3 và tất cả đều đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Bộ Công Thương hiện đã kết nối 7 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia và trong tháng 12/2018 sẽ kết nối 5 dịch vụ công trực tuyến mới. Hiện 100% đơn vị trực thuộc Bộ đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 bảo đảm mục tiêu chất lượng đề ra.
“Trong công tác kiểm tra cải cách hành chính, Bộ Công Thương luôn coi trọng công tác kiểm tra cải cách hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ, trong đó tập trung vào các đơn vị có nhiều thủ tục hành chính, phụ trách lĩnh vực nhạy cảm được dư luận quan tâm”, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Đỗ Ngọc Hưng cho biết.
Nhấn mạnh đến mục tiêu về cải cách hành chính của Bộ Công Thương, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết thêm, hiệu quả đó sẽ được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh. Phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện, gắn với công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong năm 2019, Bộ tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức theo Nghị định 98 năm 2017 của Chính phủ; Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối về cải cách hành chín.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân; tổ chức, tăng cường kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN…
Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống một cửa điện tử vào tháng 6/2019. Trong 2 năm 2019 và 2020 có 60 dịch vụ công trực tuyến về an toàn thực phẩm, kinh doanh khí, vật liệu nổ, tiền chất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cũng sẽ được đưa vào hoạt động.
Theo Báo Công Thương điện tử
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH