19/06/2018

Cải cách hành chính ngành Công Thương tỉnh Bắc Ninh: Tạo bước đột phá

Với nhiệt huyết trong công việc, mỗi cán bộ Trung tâm Hành chính công (HCC) tỉnh Bắc Ninh đều đang nỗ lực hướng tới vun đắp một “mái nhà” chung đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp (DN).

ới nhiệt huyết trong công việc, mỗi cán bộ Trung tâm Hành chính công (HCC) tỉnh Bắc Ninh đều đang nỗ lực hướng tới vun đắp một “mái nhà” chung đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp (DN).

33081271 1555338997908324 3154508721334255616 n

Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh

Xóa tình trạng ách tắc, chậm trễ

Bắc Ninh là một trong ba địa phương đầu tiên của cả nước (cùng với Quảng Nam, Quảng Ninh) triển khai mô hình Trung tâm HCC cấp tỉnh, nhằm tạo bước đột phá về công tác cải cách hành chính (CCHC) và hiện đại hóa nền hành chính. Trung tâm này được triển khai thí điểm từ ngày 17/5/2017, hoạt động chính thức ngày 1/6/2017. Tại đây, có 3 cán bộ của Sở Công Thương Bắc Ninh luân phiên trực từ thứ 2 – 6 để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, DN.

Phó Chánh Văn phòng Sở Công Thương Vương Thị Ngọc cho biết, trước đây, việc tiếp nhận hồ sơ được thông qua văn thư, sau đó chuyển tới lãnh đạo sở có liên quan phân về các phòng, ban giải quyết và chuyển lại văn thư để trả hồ sơ. Quy trình này dễ dẫn tới tình trạng ách tắc, chậm trễ trong việc thẩm định và giải quyết hồ sơ. Hiện, với Trung tâm HCC, tất cả các sở, ban, ngành sẽ cử cán bộ có thẩm quyền tới Trung tâm; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt tại chỗ. Với mô hình này, cả người dân và nhà nước đều được lợi.

Hiện nay, 100% TTHC của Sở Công Thương Bắc Ninh đã được thực hiện tại Trung tâm HCC tỉnh. Khối lượng công việc lớn, có những ngày, mỗi cán bộ của Sở phải tiếp nhận giải quyết đến 40 lượt hồ sơ. Ðể bảo đảm tiến độ công việc, trả hồ sơ đúng thời gian quy định, cán bộ tại Sở phải làm việc hết công suất, thậm chí thường xuyên làm thêm ngoài giờ.

Ông Vũ Đức Quyết – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh – khẳng định, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN trong các giao dịch HCC; lấy sự hài lòng của người dân và DN là thước đo của CCHC ngành Công Thương Bắc Ninh. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở đã khẩn trương rà soát, cắt giảm các TTHC. Khi chưa cải cách, Sở có khoảng 88 bộ TTHC thì đến nay còn khoảng 60 bộ. Cùng với đó, tỉnh cũng tiến hành rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC. Bà Vương Thị Ngọc dẫn chứng, nếu trước đây với thủ tục thông báo tổ chức thực hiện khuyến mại, DN phải mang lên Sở và phòng chuyên môn để kiểm soát đúng mẫu, đúng form, đúng thành phần hồ sơ… nhưng hiện nay, bộ phận “một cửa” tại Trung tâm HCC sẽ trực tiếp kiểm tra đầu mục và trả kết quả ngay trong ngày, DN không phải đến nhiều lần, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tương tự, đối với thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở các dự án công trình điện từ 30 ngày đã giảm xuống còn khoảng 18 ngày; cấp giấy phép kinh doanh các cửa hàng xăng dầu từ 23 ngày giảm xuống còn khoảng 15 ngày; thủ tục xác định biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, vật liệu nổ từ 40 ngày giảm xuống còn khoảng 12 ngày…
Con người là nhân tố quyết định

Đánh giá về công tác cải cách TTHC của Sở Công Thương Bắc Ninh, dưới góc độ DN, ông Hoàng Minh Thắng – Giám đốc Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn (Khu Công nghiệp Quế Võ) – nhận định, phương pháp giải quyết TTHC của Sở Công Thương tỉnh không chỉ nhanh gọn, khi có sai sót được nhân viên hướng dẫn sửa chữa ngay mà còn tạo cảm giác thân thiện cho người dân khi đến liên hệ làm việc, không xảy ra tình trạng nhiêu khê, phiền nhiễu. Hơn nữa, cán bộ, viên chức giải quyết các TTHC của Sở chủ yếu là những người trẻ năng động và thành thạo trong công việc.

Theo ông Tạ Đăng Đoan – Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh – CCHC là nhiệm vụ quan trọng được Sở đặc biệt quan tâm. Đây là nội dung xuyên suốt, được triển khai thực hiện bài bản trên tất cả các lĩnh vực. Sở đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy tổ chức cho phù hợp trên cơ sở tinh gọn, khoa học. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm cụ thể từng cán bộ, công chức, viên chức, hàng tháng có kiểm tra, theo dõi mức độ hoàn thành công việc để tiện đánh giá, sắp xếp cán bộ cho phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chú trọng đến trình độ chuyên môn cũng như thái độ phục vụ của cán bộ trực tiếp giải quyết TTHC. “Để công tác CCHC trong ngành đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, điều quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định là yếu tố con người. Do đó, Sở đã lựa chọn cán bộ, công chức giải quyết TTHC là những người không chỉ có năng lực, kinh nghiệm mà còn có kỹ năng giao tiếp, ứng xử” – ông Tạ Đăng Đoan nhấn mạnh.

bacninhcchc2

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Hiện nay, nhân sự trong ngành Công Thương Bắc Ninh 100% cán bộ, công nhân, viên chức tốt nghiệp đại học, trong đó 50% có trình độ thạc sỹ. Qua khảo sát ý kiến các đơn vị, cá nhân thụ hưởng dịch vụ do Sở cung cấp cho thấy, 100% hài lòng với thái độ của cán bộ, nhân viên của Sở; chất lượng xử lý hồ sơ chính xác, khách quan; thời gian xử lý hồ sơ đúng với cam kết.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Ninh, sở dĩ tỉnh được chọn thí điểm triển khai mô hình Trung tâm HCC không chỉ vì nơi đây đang tiến tới xây dựng một chính quyền văn minh, hiện đại, thành phố thông minh, mà quan trọng hơn, Bắc Ninh tuy là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước nhưng lại có mật độ DN tương đối lớn với khoảng 11.000 DN. Trong đó, hơn 1.000 DN FDI đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn như: Samsung, Canon, Nokia, Pepsico… Thực tế, nhờ tập trung đẩy mạnh CCHC, Bắc Ninh đã trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động nhất cả nước, với quy mô giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 2 trong toàn quốc, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, với tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP chiếm 75,2%. Dự kiến, năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước sẽ đạt 1.124.085 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2017. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 30 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017.

Đặc biệt, Bắc Ninh đang là “điểm hẹn” của các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Tính đến nay, Bắc Ninh đã cấp 1.241 giấy chứng nhận đầu tư cho 821 dự án FDI và 420 dự án trong nước vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 16.849,73 triệu USD. Đây chính là những “trái ngọt”, thành quả xứng đáng từ nỗ lực CCHC không ngừng của ngành Công Thương Bắc Ninh.

Ông Vũ Đức Quyết – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh: Quan điểm Sở Công Thương Bắc Ninh là tạo mọi điều kiện tối đa nhất cho DN, đồng hành cùng DN. Do đó, trong thời gian tới, công tác CCHC tiếp tục được Sở thực hiện có chiều sâu, đơn giản hóa và tăng chất lượng xử lý TTHC.

Theo BaoCongThuong.com.vn