Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời báo chí bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 23 tại Phi-líp-pin
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 23, Hội nghị Tham vấn giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao ủy thương mại EU lần thứ 15 tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin, ngày 9-10/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Hội nghị lần này là dịp tốt để 4 nước ASEAN tham gia TPP cùng nhau thống nhất quan điểm trong bối cảnh Hoa Kỳ có thay đổi chính sách và rút khỏi TPP.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
– Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết hiện nay dường như các nước đang có xu thế bảo hộ và hướng nội, vậy xu hướng này có tác động thế nào đến các nội dung thảo luận tại Hội nghị?
– Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng là trong thời gian gần đây, thương mại thế giới phát triển chậm lại và không còn thể hiện được vai trò là đầu tầu kéo nền kinh tế toàn cầu phát triển nữa. Một số nền kinh tế lớn cũng có dấu hiệu e ngại các tác động của tiến trình toàn cầu hóa đến công ăn việc làm trong nước. Đây là nguyên nhân gây nên tâm lý chống toàn cầu hóa ở một số nơi.
Tuy nhiên, trong bình diện ASEAN thì xu hướng hợp tác, tăng cường hội nhập vẫn là xu thế chung. Đặc biệt, 4 nước trước đây có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN là Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào và My-an-ma đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cao không những so với các nước phát triển hơn trong ASEAN mà cả so với các nước khác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là điều kiện tốt để tất cả các nước ASEAN vươn lên, tăng cường hợp tác, thể hiện rõ hơn vị thế của khu vực trong bản đồ kinh tế thế giới, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của từng nước thành viên.
Chính vì vậy, dường như xu hướng bảo hộ ở một số nơi càng làm các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế – thương mại hơn, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài. Đặc biệt, năm nay ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Riêng về lĩnh vực kinh tế thì quá trình hội nhập ASEAN đã có những bước tiến dài và không thể đảo ngược, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác mạnh hơn trong các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh – quốc phòng v.v…
– Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết tầm quan trọng của Hội nghị lần này?
– Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 23 là Hội nghị Bộ trưởng kinh tế đầu tiên trong năm và là dịp để các Bộ trưởng thống nhất các mục tiêu hợp tác kinh tế cho cả năm cũng như đề ra các nguyên tắc để thực hiện các mục tiêu đó.
Các kết quả quan trọng nhất trong hợp tác kinh tế sẽ được báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN xem xét, quyết định để ASEAN có bước tiến đồng bộ trong năm ASEAN bước vào tuổi 50.
Phóng viên: Với các mục tiêu đề ra như trên thì Hội nghị đã đạt được các kết quả gì?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hội nghị lần này đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng:
– Thứ nhất, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã nhất trí thông qua các ưu tiên trong hợp tác kinh tế của năm ASEAN 2017;
– Thứ hai, Hội nghị đã thông qua chương trình làm việc trong năm, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hết sức cụ thể nhằm cắt giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp (thông qua các cơ chế hợp tác như ASEAN một cửa, cho phép doanh nghiệp được tự chứng nhận hàm lượng xuất xứ đối với sản phẩm của mình thay cho việc phải đi xin phép các cơ quan Nhà nước v.v…);
– Thứ ba, Hội nghị cũng thống nhất được một số nội dung để thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thể hiện vai trò trung tâm của các nước ASEAN trong cuộc đàm phán quan trọng này;
– Cuối cùng, tại Hội nghị tham vấn với Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU), ASEAN và EU đã có bước tiến được xem là mạnh nhất trong hợp tác hai khối thời gian gần đây. Cụ thể là hai bên thông qua việc ra tuyên bố hướng tới tái khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa hai khu vực và cùng nhau nghiên cứu một cơ chế theo dạng tòa trọng tài đa phương để giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ nước nhận đầu tư để tăng thẩm quyền của Chính phủ khi ra các quyết định bảo vệ lợi ích công ví dụ như khi cần hạn chế đầu tư để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra thì tại hội nghị này, các Bộ trưởng cũng đã ký kết một số văn kiện hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN để thúc đẩy hơn nữa hoạt động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
– Phóng viên: Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc các Bộ trưởng ASEAN cùng Cao ủy Thương mại quyết định một số bước chuẩn bị hướng tới việc tái khởi động Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN và EU có ý nghĩa như thế nào với các nước ASEAN và vai trò của Việt Nam trong tiến trình này như thế nào?
– Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong bối cảnh xuất hiện xu thế chống toàn cầu hóa ở một số nơi thì việc hai khối ASEAN và EU cùng thống nhất hợp tác với nhau là một bước tiến hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với 2 khu vực nói riêng mà cả trên bình diện quốc tế. Tại cuộc gặp với Cao ủy EU, hai bên đã đề ra một chương trình làm việc hết sức tham vọng trong thời gian tới, trong đó có việc thống nhất một số bước để tiến tới việc tái khởi động tiến trình đàm phán giữa hai khu vực.
Với tư cách là nước điều phối quan hệ của ASEAN với EU, Việt Nam đã hết sức nỗ lực để thúc đẩy quan hệ giữa hai khối.
Thứ nhất, Việt Nam cùng với Xing-ga-po là hai nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán Hiệp định FTA với EU. Đây được coi là bước đệm và là căn cứ quan trọng để hình thành nên FTA giữa hai khu vực sau này.
Thứ hai, chúng ta đã cùng EU tìm ra khuôn mẫu hợp tác giữa EU với một nước đang phát triển theo hướng các bên cùng có lợi. Ví dụ, ta là nước đầu tiên trong khu vực (và là nước thứ hai trên thế giới sau Ca-na-đa) cùng EU thiết kế một cơ chế mới minh bạch hơn để đảm bảo quyền lợi chính đáng của Chính phủ trong các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ở các lĩnh vực có liên quan đến chính sách công như y tế, môi trường v.v…
– Phóng viên: Đề nghị Bộ trưởng cho biết Đoàn Việt Nam đã có những hoạt động nào và kết quả cụ thể như thế nào?
– Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thứ nhất, về hợp tác ASEAN, chúng ta đã có một số sáng kiến cụ thể thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay và được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, với tư cách là nước chủ nhà APEC, ta đã cùng Phi-líp-pin thống nhất các ưu tiên của ASEAN và APEC trong năm nay để một mặt đạt kết quả cao nhất, mặt khác nâng được vị thế của ASEAN trong các diễn đàn khu vực và đa phương. Ví dụ như trong APEC ta đang cùng các nước thúc đẩy sáng kiến cắt giảm 10% chi phí giao dịch trong thương mại quốc tế. Ta đã phối hợp với nước chủ nhà Phi-líp-pin lồng mục tiêu này vào các hoạt động của ASEAN nhưng với lộ trình thực hiện thậm chí còn nhanh hơn trong APEC. Sáng kiến này đã được các nước ASEAN đánh giá cao và coi đây là một kết quả cụ thể của ASEAN để tạo được các lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, về hợp tác song phương với Phi-líp-pin, hai bên đã thống nhất được một số định hướng quan trọng. Tại Hội nghị lần này, Phi-líp-pin và Việt Nam đã có cuộc trao đổi chính thức cấp Bộ trưởng để xác định một số nguyên tắc, giao Ủy ban Hỗn hợp hai nước gặp nhau trong tháng tới để triển khai. Đoàn ta cũng đã đến chào Chủ tịch Thượng viện Phi-líp-pin Koko Pimentel và một số Thượng nghị sĩ để báo cáo các kết quả làm việc giữa hai bên và xác định một số lĩnh vực ưu tiên cần có cơ chế hợp tác ổn định hơn trong thời gian tới. Trong các cuộc gặp song phương, hai bên đều đánh giá cao kết quả hợp tác kinh tế- thương mại trong thời gian vừa qua. Ví dụ như việc Việt Nam đảm bảo cung ứng được gạo với số lượng lớn, giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo đã góp phần để Phi-líp-pin duy trì an ninh lương thực và đảm bảo người nghèo có thể tiếp cận đến nguồn lương thực thiết yếu. Do vậy, lãnh đạo Phi-líp-pin khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế – thương mại với Việt Nam, thúc đẩy việc thực hiện tốt các thỏa thuận ở cấp Chính phủ về gạo.
Thứ ba, ta đã cùng EU thống nhất một số lĩnh vực hợp tác. Hai bên đã cùng thống nhất lộ trình để tiến tới sớm ký kết và đưa Hiệp định FTA Việt Nam – EU vào thực hiện trong thời gian tới, báo cáo lên Lãnh đạo hai bên trong thời gian sớm nhất để có thể có được các quyết sách cần thiết. EU cũng đã đồng ý mời đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôi ta sang EU để giải quyết khó khăn cho ngành gạo và hạt tiêu của ta do EU dự kiến sẽ ban hành một số tiêu chuẩn mới về an toàn thực phẩm. Với vấn đề kinh tế thị trường, EU cũng đã khẳng định sẽ không có bất cứ biện pháp phân biệt đối xử nào với Việt Nam và mời đoàn chuyên gia của Việt Nam sang EU làm việc để thể hiện nguyên tắc này trong các chính sách dự kiến sẽ được EU ban hành thời gian tới.
– Phóng viên: Xin được hỏi các nước có trao đổi gì về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hội nghị này không?
– Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hội nghị lần này là dịp tốt để 4 nước ASEAN tham gia TPP cùng nhau thống nhất quan điểm trong bối cảnh Hoa Kỳ có thay đổi chính sách và rút khỏi TPP. Do vậy, ta đã có trao đổi song phương với các nước ASEAN về TPP. Chúng tôi rất mừng là cả 4 nước ASEAN đều có những nhận định và đánh giá tương đối giống nhau. Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về TPP. Do vậy, các nước ASEAN cùng thống nhất dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới đây là cơ hội để các nước TPP có đánh giá tình hình kỹ hơn và cùng nhau đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới.
Theo moit.gov.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH