Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương sẽ xây dựng chương trình hành động, làm rõ cơ hội, thách thức trong EVFTA
Sau lễ ký kết, trả lời câu hỏi của các nhà báo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, và đặc biệt là tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong Hiệp định EVFTA.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam cần tận dụng những lợi thế gì của các hiệp định FTA để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện nay, Việt Nam đã triển khai 11 Hiệp định FTA gồm FTA nội khối giữa 10 nước ASEAN; 6 Hiệp định FTA chúng ta cùng ASEAN ký kết với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôt-xtrây-lia – Niu Di-lân; 4 Hiệp định FTA song phương với Nhật Bản, Chi lê, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu; và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong số này, phần lớn hàng hóa của ta đã được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang ASEAN (trên 95% biểu thuế), Trung Quốc (hơn 90% biểu thuế), Hàn Quốc (hơn 75% biểu thuế). Các nước còn lại vẫn đang tiếp tục cắt giảm thuế theo cam kết. Đây chính là lợi thế mà doanh nghiệp của ta cần tận dụng khi xuất khẩu sang các thị trường này.
Sắp tới, việc thực thi Hiệp định FTA với EU, cùng với việc Hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực và ký kết một số Hiệp định khác trong tương lai như RCEP, dự kiến sẽ mang lại những lợi thế nhất định, tạo cơ sở cho Việt Nam tăng trưởng kinh tế như:
Thứ nhất, các Hiệp định này sẽ giúp ta thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ kinh tế – thương mại, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể. Đẩy mạnh xuất khẩu cũng sẽ góp phần tạo việc làm, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thứ hai, việc kết nối thông qua các Hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát huy hiệu quả kinh tế theo quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn. Liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp ASEAN, EU, các nước CPTPP… cũng sẽ được hình thành thông qua phân công lao động, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trung gian, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tiến trình này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong khu vực cũng như hướng tới các thị trường phát triển hơn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…
Phóng viên: Hiệp định EVFTA khác với các Hiệp định thương mại tự do đã thực thi và đang đàm phán ở những điểm nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đến nay, ngoài Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng EVFTA có nhiều khác biệt, có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế VN. Và khi Việt Nam đạt được một trình độ nhất định, hiệp định này sẽ giúp sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh được ở châu Âu, tham gia chuỗi giá trị.
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung truyền thống và phi truyền thống, vượt ra ngoài khuôn khổ thương mại hàng hóa như cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư, cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.
Không chỉ cắt giảm thuế quan, đây là hiệp định rất toàn diện, trải rộng từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ… Do đó, EVFTA không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia chuỗi giá trị mới.
Trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Về chỉ dẫn địa lý, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư, theo đó, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn…
Cuối cùng, việc đàm phán thành công và ký kết FTA với các đối tác lớn cũng sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thế và lực mới, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.
Phóng viên: Sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ có những bước triển khai cụ thể như thế nào? Riêng Bộ Công Thương sẽ có những bước đi ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sau khi được ký kết vào ngày 30/6/2019, Hiệp định EVFTA sẽ được trình Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào cuối năm 2019.
Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), quá trình phê chuẩn có thể sẽ lâu hơn vì còn cần tất cả các nước Thành viên EU phê chuẩn thì mới có hiệu lực.
FTA Việt Nam – EU là Hiệp định đầu tiên của EU với một nước đang phát triển trong khu vực. Để Hiệp định được ký kết và có hiệu lực thì ta phải chứng minh được là Việt Nam có khả năng thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định FTA. Trong đó có một số lĩnh vực sau EU rất quan tâm:
Thứ nhất là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Chúng ta đều biết EU rất quan tâm đến phát triển bền vững và yêu cầu tất cả các đối tác thương mại cũng cần cùng hành động vì các mục tiêu toàn cầu. Quan ngại này được giải tỏa phần nào khi tại kỳ họp Quốc hội tháng 5-6 vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đồng thời thảo luận theo hướng tích cực dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã được lấy ý kiến công khai trước đó. Đối với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, dự luật này dự kiến cũng sẽ được phê chuẩn tại kỳ họp tháng 10 năm 2019 của Quốc hội.
Thứ hai là vấn đề kiểm dịch động thực vật. Trong Hiệp định FTA, EU cam kết sẽ mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của ta nhưng cũng cần ta có hợp tác với EU để đảm bảo hàng của ta sang EU đảm bảo được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện hai bên đang tích cực thảo luận để thống nhất được cơ chế hợp tác kỹ thuật trước khi Hiệp định được chính thức phê chuẩn.
Thứ ba là chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU). Vừa qua ta bị EU rút thẻ vàng do còn một số vi phạm. Đây là lĩnh vực cũng cần có tiến bộ trước khi Hiệp định được phê chuẩn.
Về phía Bộ Công Thương, với quá trình dài thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đã có nhiều kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng chính sách gắn với phục vụ doanh nghiệp, người dân và hướng dẫn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế. Sau khi Hiệp định này được ký kết, Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng Bộ hồ sơ trình Quốc Hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA để sớm đưa Hiệp định này vào đời sống.
Song song với việc đó, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung, cam kết, trách nhiệm và đặc biệt là tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa Hiệp định EVFTA cho phù hợp các cam kết đã ký và xây dựng các cơ chế, mô hình liên kết để quản lý nhà nước gắn với doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Theo tapchicongthuong.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH