12/07/2018

Bộ Công Thương: Nhìn nhận hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Là một trong những Bộ tích cực triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC), nhiều hoạt động đã được Bộ Công Thương triển khai thời gian qua đã mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người dân, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số tồn tại.

bctcchc1

Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua Internet là một trong những hoạt động cải cách TTHC mang lại hiệu quả cao cho DN

Đa dạng giải pháp CCHC

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra ngày 9/7, ông Trần Hữu Linh – Chánh Văn phòng Bộ Công Thương – cho biết, thời gian qua, công tác CCHC đã được Bộ Công Thương triển khai bằng nhiều hoạt động quyết liệt.

Cụ thể, Bộ đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT (ngày 9/12/2016) về Phương án Tổng thể đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017; Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2017 – 2018…

Mới đây nhất, ngày 12/4/2018, lần thứ ba Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1229/QĐ-BCT công bố các thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành/bị bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, theo đó đã bãi bỏ/đơn giản hóa cácTTHC được đề xuất tại Danh mục TTHC và phương thức thực thi phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương đi kèm Quyết định số 1408/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Cụ thể, tại lần này Bộ Công Thương đã bãi bỏ 5 TTHC thuộc phạm quản lý của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; đơn giản hóa 2 TTHC về: “Thủ tục thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo” và “Cấp, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp”.

Về CCHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và triển khai đồng bộ các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như: Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về bán hàng đa cấp thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, chính thức có hiệu lực từ ngày 2/5/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2014/TT-BCT về bán hàng đa cấp có hiệu lực thi hành từ 15/7/2018.

Quyết tâm khắc phục hạn chế

Bên cạnh thành quả, ông Trần Hữu Linh cũng thừa nhận, mặc dù 3 năm qua, Bộ Công Thương đã coi nhiệm vụ CCHC, cải cách TTCH, cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế.

“Đơn cử, hiện Bộ Công Thương đang có 355 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện từ cấp 2 đến cấp 4 nhưng có những dịch vụ công thời gian thực hiện trên mạng và trên giấy như nhau nên người dân và doanh nghiệp lại chọn cách truyền thống” – ông Trần Hữu Linh thẳng thắn.

bctcchc2

Ông Trần Hữu Linh thẳng thắn nhìn nhận những thực trạng cần khắc phục của công tác cái cách TTHC

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang sở hữu 10 đường dây nóng nhưng hoạt động hạn chế, lúc có người trực, lúc không, cá biệt có những đường dây nóng không hoạt động dẫn đến tình trạng người dân không thể phản ánh được. Quy chuẩn về xử lý hồ sơ trực tuyến Bộ Công Thương cũng chưa có, mặc dù Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc này.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các đơn vị phải đánh giá được hiệu quả thực chất của công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm CCHC, CC TTHC với thủ trưởng mỗi đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Trước yêu cầu đó, ông Trần Hữu Linh cho hay, từ nay đến cuối năm 2018, ngoài việc tăng thêm số lượng dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch (26 dịch vụ công mức độ 3 và 12 dịch vụ công mức độ 4), Bộ Công Thương phấn đấu thực hiện theo hướng điều hành, xử lý công việc trên mạng internet giữa các cơ quan nhà nước. Cụ thể, đẩy mạnh việc trao đổi công văn giấy tờ, xử lý văn bản trên điện tử… giữa các bộ ngành, địa phương để đạt mục tiêu không còn công văn giấy tờ chuyển qua đường bưu điện. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ cố gắng đưa thật nhiều dịch vụ công trực tuyến để người dân tiếp cận.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang thực hiện xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Theo BaoCongThuong.com.vn