26/09/2016

Bộ Công Thương: Đẩy mạnh hoạt động khuyến công

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác khuyến công, mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công và tăng cường năng lực các trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (trung tâm) ở địa phương.

bctdmhdkc

Đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp là một trong những nội dung khuyến công hiệu quả

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 2 năm thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg, hoạt động khuyến công cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội đáng kể. Một số nội dung của hoạt động khuyến công đã có tác động thiết thực, được các doanh, cơ sở công nghiệp đánh giá cao, như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu; đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp… Thông qua hoạt động khuyến công, vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương ở địa phương được nâng cao, tạo sự gắn kết hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động khuyến công có được những kết quả tích cực, trước hết do sự nỗ lực của các địa phương, trong đó có vai trò nòng cốt trong tham mưu, quản lý của sở công thương và công tác triển khai thực hiện của trung tâm cấp tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động khuyến công ở nhiều địa phương còn gặp không ít trở ngại, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc của nhiều trung tâm còn thiếu thốn. Mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã chưa được hình thành. Kinh phí bố trí từ ngân sách cho khuyến công còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu…

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã có văn bản số 7540/BCT-CNĐP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công và tăng cường năng lực trung tâm ở địa phương.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương: Xây dựng, rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công của địa phương phù hợp với Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và UBND cấp huyện đối với hoạt động khuyến công trên địa bàn; chỉ đạo xây dựng chương trình khuyến công đến năm 2020 để phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; quan tâm bố trí kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách địa phương; xây dựng, kiện toàn tổ chức khuyến công trên địa bàn; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện chương trình; thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động khuyến công trên địa bàn.

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các nội dung của văn bản. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý.

Theo BaoCongThuong.com.vn