Bộ Công Thương đang nghiên cứu cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tái tạo
Theo đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), khi kinh tế phục hồi thì năng lượng tái tạo có thể hi vọng phát tối đa công suất. Trong tương lai vẫn phải đồng bộ các giải pháp khác về đầu tư lưới điện thông minh, pin lưu trữ, liên kết lưới để đảm bảo các nguồn tham gia được phát điện tối đa.
Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Tọa đàm “Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?” chiều 15/6 tại Hà Nội.
Khả năng lưu trữ không lớn
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) – đánh giá, trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt điện khí giá cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thế giới, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và thị trường đã làm điện gió, điện mặt trời ngày càng cạnh tranh hơn so với các nguồn điện truyền thống.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, năng lượng điện mặt trời ở Việt Nam bùng nổ nhưng truyền tải điện không theo kịp. “Rõ ràng đang có sự bị động trong phát triển năng lượng mặt trời hiện nay. Đặc biệt là vấn đề thừa điện mặt trời đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua”- TS. Vũ Đình Ánh nhận định.
Chia sẻ về điều này, ông Lê Ngọc Hồ – Phó Giám đốc Ban đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn – cho biết, tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục nên nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Phạm Nguyên Hùng cho rằng, thực tế là nhu cầu sử dụng điện không cao, nhất là vào thời điểm buổi trưa, trong khi đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió đều là các nguồn năng lượng không liên tục, khả năng điều chỉnh rất hạn chế, khả năng lưu trữ không lớn với chi phí cao. “Mặt khác, việc đầu tư điện mặt trời diễn ra nhanh trong khi lưới điện truyền tải phân phối chưa kịp bổ sung. Do đó, lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm”- ông Phạm Nguyên Hùng nêu cụ thể.
Mặc dù, thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện hàng loạt biện pháp để giảm tình trạng cắt giảm công suất như khẩn trương triển khai xây dựng bổ sung hệ thống truyền tải, hệ thống phân phối, tăng cường khả năng điều độ, vận hành hệ thống điện phù hợp với điều kiện thời tiết, điều chỉnh thứ tự điều độ hệ thống điện theo hướng ưu tiên huy động nguồn điện năng lượng tái tạo, giờ phát cao điểm của thủy điện nhỏ lệch với giờ phát cao điểm của điện mặt trời…
Cần hệ thống tích trữ đồng hành với phát triển năng lượng tái tạo
Theo ông Phạm Nguyên Hùng, để giải quyết vấn đề về giảm công suất phát các dự án năng lượng tái tạo, theo đó phải đầu tư và đưa vào vận hành các dự án truyền tải điện. Việc này thời gian qua đã được ngành điện đầu tư và những sự cố tắc nghẽn trong lưới điện đã được giải quyết. Hiện chỉ còn là tăng trưởng phụ tải.
Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng điện trung bình 9%. Nhưng riêng năm 2020 tăng trưởng điện có trên 3%, thấp hơn kế hoạch rất nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong ngắn hạn, muốn tăng trưởng điện để đưa nhiều dự án năng lượng tái tạo vào hơn thì phải kiểm soát dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Khi kinh tế phục hồi thì năng lượng tái tạo có thể hi vọng phát tối đa công suất. Và trong tương lai vẫn phải đồng bộ các giải pháp khác về đầu tư lưới điện thông minh, pin lưu trữ, liên kết lưới để đảm bảo các nguồn tham gia được phát tối đa
Vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia có một số điều chỉnh lệch giờ phát cao điểm của các thủy điện nhỏ miền Trung, Nam, từ đó đã giúp tăng khả năng phát của nguồn năng lượng tái tạo cỡ 1.000 MW. “Tuy nhiên, để tối đa hóa sự tiếp nhận năng lượng tái tạo là khó vì liên quan đến sự an toàn hệ thống điện, vẫn phải có sự huy động nhiều nguồn điện khác nhau và cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo nhất định” – ông Phạm Nguyên Hùng cho biết.
Khi kinh tế phục hồi thì năng lượng tái tạo có thể hi vọng phát tối đa công suất. Và trong tương lai vẫn phải đồng bộ các giải pháp khác về đầu tư lưới điện thông minh, pin lưu trữ, liên kết lưới để đảm bảo các nguồn tham gia được phát tối đa.
Theo ông Lê Ngọc Hồ, để đưa các dự án điện mặt trời được vận hành tối đa, có thể tính đến giải pháp tương lai như hệ thống pin tích trữ phục vụ nạp – xả. Ngoài ra, cần có chính sách để điện mặt trời bán trực tiếp cho các khách hàng. Nhưng điều này phải phụ thuộc vào các quy định của Nhà nước, có hướng dẫn cụ thể và kèm theo đó là có hạ tầng phục vụ cho việc đó.
Liên quan đến hệ thông tích trữ ông Nguyễn Anh Tuấn- Trung tâm năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai sẽ rất lớn và năng lượng mặt trời sẽ có sự tăng trưởng cực nhanh. Vấn đề đặt ra là cần có nhiều hệ thống lưu trữ, tích trữ điện mặt trời đảm bảo sự phân bổ cũng như không để xảy ra sự tắc nghẽn trên lưới điện, để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội và thực hiện chuyển dịch sang năng lượng sạch nhanh nhất có thể. “Lưu trữ năng lượng là công nghệ tất yếu, bắt buộc phải đồng hành với phát triển năng lượng tái tạo”, ông Tuấn cho biết.
Ông Phạm Nguyên Hùng cũng cho rằng, tích trữ năng lượng là một giải pháp, nhưng hiện giá thành hệ thống tích trữ vẫn còn cao, do đó, việc áp dụng loại hình này còn chưa hiệu quả. “Nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn chính sách, khung pháp lý, kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển các nước để cụ thể hóa thành quy định Việt Nam, trong tương lai tối đa đưa loại hình này vào. Bộ Công Thương với sự tài trợ các cơ quan quốc tế đang nghiên cứu cơ chế, đồng bộ chính sách khuyến khích để phát triển hệ thống tích trữ này”, ông Phạm Nguyên Hùng nói.
Ngoài ra, trong các chính sách cần tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang nghiên cứu chính sách mua bán điện trực tiếp DPPA. Hiện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang soạn thảo nội dung này và lấy ý kiến các tổ chức, ban, ngành, địa phương liên quan.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024