15/10/2017

Bảo vệ môi trường làng nghề – Cần sự đồng thuận của người dân

Các chế tài, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường làng nghề khá đầy đủ, nhưng công tác triển khai chưa đến nơi đến chốn khiến tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng.
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm của tỉnh Thái Bình những năm gần đây phát triển rất nhanh với 4.000 lao động, 200 cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngoan – Chủ tịch Hội chạm bạc Đồng Xâm cho hay: Tỷ lệ thuận với sự phát triển của làng nghề, ô nhiễm môi trường tại Đồng Xâm ngày một nghiêm trọng. Trung bình mỗi tháng, Đồng Xâm tiêu thụ hết vài chục tấn đồng thau, khoảng 2-3 tạ bạc. Tương ứng với đó là một lượng lớn axit, hydrat được sử dụng trong quá trình sản xuất. Nước thải cũng không được xử lý, chảy tràn ra cánh đồng, kênh thoát nước.
Trên thực tế, tình trạng môi trường làng nghề bị ô nhiễm như tại Đồng Xâm khá phổ biến. Kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng (đối với không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) và có 27% bị ô nhiễm vừa.
Cụ thể, đối với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ thường xảy ra tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá Quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Ô nhiễm chất vô cơ bắt nguồn từ các làng nghề dệt, nhuộm, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, tái chế giấy…. Nước thải từ các làng nghề này có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng.…
bvmt
Hàm lượng phun sơn tại làng nghề sơn mài Hạ Thái gấp 16,7 lần tiêu chuẩn so sánh trung bình ngày đêm và gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép
Môi trường không khí cũng bị ô nhiễm, chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu, hoá chất trong sản xuất tạo ra khí thải chứa các thành phần đặc trưng như: Bụi, CO2, CO, SO2.… Ngoài ra, quá trình tái chế và gia công cũng phát sinh các khí độc như hơi axit, kiềm, oxit kim loại và ô nhiễm nhiệt. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quá Quy chuẩn Việt Nam từ 3-8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt quá 6,5 lần. Kết quả đo đạc chất lượng không khí tại làng nghề sơn mài Hạ Thái cho thấy, hàm lượng phun sơn gấp 16,7 lần tiêu chuẩn so sánh trung bình ngày đêm và gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép.
Chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để, thậm chí xả thải bừa bãi tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tuổi thọ của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi so với tuổi thọ trung bình của cả nước.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng – Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật và chế tài về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường làng nghề khá đầy đủ. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định riêng về bảo vệ môi trường làng nghề. Bên cạnh đó còn có các luật chuyên ngành khác được ban hành, trong đó có nhiều nội dung, điều khoản điều chỉnh hoạt động của làng nghề như: Luật Đất đai, Luật Thuế bảo vệ môi trường…. Tuy nhiên, việc thực thi chưa đến nơi đến chốn, khiến tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề chưa được giải quyết.
Do đó, để giải quyết vấn nạn này cần sự quyết tâm cao hơn nữa của chính quyền cấp cơ sở. Các cơ sở sản xuất đầu tư cho công nghệ thiết bị hiện đại nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tăng năng suất lao động. Với các làng nghề tái chế, địa phương có chủ trương dẹp bỏ hoặc đưa vào cụm công nghiệp có khu xử lý chất thải tập trung.
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định, ông Vũ Hữu Từ – Phó giám đốc Sở Công Thương Nam Định cho hay: Làng nghề chủ yếu là các hộ sản xuất đơn lẻ, mang tính tự phát, do đó quản lý nhà ước tại khu vực này rất khó khăn. Thông qua sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, kết hợp giữa hương ước, quy ước của các làng nghề với các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm kêu gọi ý thức tự giác của mỗi người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đã điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp giai đoạn 2020 tầm nhìn đến 2030, di dời các hộ vào khu sản xuất tập trung vừa tạo mặt bằng sản xuất vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo Ven.vn