23/07/2018

Bao bì sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Doanh nghiệp loay hoay tìm nguồn cung

Bao bì đẹp, truyền tải được thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu và thông điệp của sản phẩm có thể giúp tăng gấp 3-4 lần giá trị cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN). Tuy nhiên, hiện đang rất khó khăn để tìm được doanh nghiệp (DN) đủ khả năng thiết kế, sản xuất bao bì cho sản phẩm TCMN tại thị trường trong nước.

resized baobi

Rất khó tìm được nhà sản xuất bao bì cho sản phẩm TCMN

Tăng giá trị cho sản phẩm

TCMN vốn là ngành có giá trị gia tăng khá cao, nhất là với các mặt hàng gốm sứ, mây tre đan, thêu… do phần lớn nguồn nguyên liệu được sản xuất trong nước, giá thành hợp lý. Tuy nhiên, trên thị trường xuất khẩu (XK), sản phẩm TCMN của Việt Nam không được đánh giá cao, nguyên nhân là do mẫu mã sản phẩm chậm thay đổi, phụ thuộc vào mẫu mã truyền thống, công năng sử dụng không đa dạng. Hơn nữa, bao bì của sản phẩm rất đơn giản, chỉ đơn thuần mang tính chất chứa đựng, bảo vệ chứ chưa truyền tải được những thông tin cần thiết và giới thiệu về sản phẩm.

Với kinh nghiệm 30 năm XK mặt hàng gốm sứ, bà Hà Thị Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh – cho hay: Bao bì có vai trò rất quan trọng, bởi một sản phẩm có giá trị nếu đưa vào bao bì đẹp, sẽ thể hiện được thông điệp sản phẩm giá trị có thể tăng gấp 3, 4 lần.

“Chúng tôi từng hợp tác với Hiệp hội Rượu Ba Kích Quảng Ninh thiết kế bình đựng rượu với nắp bình có thiết kế đặc biệt, không bị rò rỉ cho dù bình nghiêng đổ. Rượu sau khi được đưa vào bao bì mới tuy giá thành có tăng hơn trước nhưng vẫn được người tiêu dùng (NTD) chấp nhận, tiêu thụ sản phẩm ngày một tốt hơn”, bà Vinh ví dụ.

Bao bì có “giá” như vậy nhưng chưa được các DN sản xuất hàng TCMN trong nước chú ý đúng mức. Bao bì rất đơn giản, mẫu mã theo lối mòn và không thể hiện hết được chức năng cần có. Đây cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm TCMN của Việt Nam tuy đẹp nhưng chưa hấp dẫn mạnh mẽ NTD và giá trị còn thấp.

Hơn nữa tại thị trường trong nước, số DN có khả năng thiết kế, sản xuất bao bì cho hàng TCMN rất hiếm hoi, có chăng cũng là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Từ câu chuyện thực tế của Quang Vinh, bà Hà Thị Vinh chia sẻ: Công ty ký hợp đồng bán sản phẩm bao gồm cả bao bì với một khách hàng lớn của Hoa Kỳ. Hai bên đã bàn bạc thống nhất về mẫu mã, chất liệu bao bì. Tuy nhiên, chúng tôi tìm khắp khu vực phía Bắc không có DN sản xuất. Tại khu vực phía Nam, công ty tìm được 1 DN đủ điều kiện sản xuất nhưng không phải là DN Việt Nam mà là DN Hàn Quốc.

Cần nhiều hỗ trợ

Về sự hiếm hoi nhà sản xuất bao bì cho sản phẩm TCMN, đại diện một DN cũng cho hay, khác với sản phẩm công nghiệp, bao bì cho sản phẩm thủ công đòi hỏi sự đa dạng về kích thước và mẫu mã. Việc thiết kế bao bì cần được quan tâm từ phôi đến các công đoạn sản xuất, mẫu mã và cả thông điệp của sản phẩm. Bao bì ngoài chức năng chứa đựng, bảo vệ còn mang nhiều chức năng khác như định lượng, trưng bày, tiện dụng, tạo sự khác biệt của sản phẩm. Tuy nhiên, không nhiều DN, cơ sở sản xuất chú ý và đầu tư đúng mức cho bao bì. Hơn nữa, hiện hệ thống dữ liệu và quy chuẩn cho lĩnh vực này còn rất thiếu cũng là nguyên nhân khiến lực lượng sản xuất bao bì cho sản phẩm TCMN còn mỏng, sản phẩm tạo ra cũng chưa phù hợp với nhu cầu.

Theo đó, để có được DN sản xuất bao bì cho sản phẩm TCMN đáp ứng yêu cầu, các cơ quan chức năng cần xây dựng được hệ thống dữ liệu và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng cho lĩnh vực này. Ngoài ra, khi thiết kế bao bì cần đưa logo nhãn hiệu của DN lên bao bì, nhằm quảng bá thương hiệu đồng thời chống làm giả, làm nhái.

Tại Hội thảo “Tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm TCMN” được tổ chức tại Hải Dương mới đây, ông Hoàng Chính Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) – nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt, DN sản xuất sản phẩm TCMN cần tạo được sự khác biệt và ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí NTD, tạo định hướng cho khâu tiếp thị và truyền thông nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, bao bì sản phẩm rất quan trọng, tạo ấn tượng đầu tiên với NTD.

Với chức năng quản lý nhà nước về khuyến công, trong đó có việc hỗ trợ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, Cục Công Thương địa phương đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, trong đó có tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Đây đều là những nội dung trọng tâm và đã đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, Cục tiếp tục phối hợp với Hiệp hội làng nghề Việt Nam, trung tâm khuyến công tại các địa phương triển khai sâu rộng hơn nữa các hoạt động này nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, trong đó có sản phẩm TCMN.

Theo Ven.vn