APEC 2017 HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Một trong những định hướng APEC 2017 hướng tới để tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu là hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo về các ưu tiên của APEC 2017 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng, hiện 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực là các daonh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này là động lực quan trọng cho tăng trưởng và tạo việc làm. Vì vậy, APEC cần hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện sáng kiến thuận lợi hóa kinh doanh, kể cả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Là khu vực có số lượng người sử dụng internet lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Châu Á – Thái Bình Dương có nhiều tiềm năng hợp tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật số và quốc tế hóa doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thủ tướng cũng cho rằng APEC 2017 cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
“Cải cách cơ cấu cần là ưu tiên của APEC nhằm thúc đẩy tăng năng suất, tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển. Chúng ta cần xây dựng các cộng đồng vững mạnh và bao trùm, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Cần tăng cường khả năng thích ứng trước những biến động và cú sốc về kinh tế, tài chính, cũng như trước thiên tai và dịch bệnh,” ông Minh nói.
Đồng thời với đó, đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng cũng sẽ là một ưu tiên cho APEC 2017 mà Việt Nam hướng tới. Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng cho rằng làm sống động hợp tác thương mại và đầu tư là nhân tố thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. APEC cần tăng cường hợp tác trên các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới để bảo đảm mọi người dân đều có thể hưởng lợi.
Đặc biệt, các nền kinh tế APEC cần tận dụng cơ hội do những cơ chế hiện có và đang hình thành ở khu vực mang lại, trong đó có Cộng đồng ASEAN, TPP, RCEP và FTAAP. Và để tăng cường kết nối khu vực và tiểu khu vực, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng, tận dụng các cơ chế tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác công – tư.
Và cuối cùng, trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững cũng sẽ là mục tiêu hướng tới của các nền kinh tế APEC trong năm 2017.
“ APEC cần thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng và tính bền vững của nông nghiệp. Chúng ta cũng cần tăng cường quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, đào tạo kỹ năng cho nông dân và hỗ trợ họ tiếp cận vốn và thị trường. Đặc biệt, APEC cần thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông thôn sáng tạo và bao trùm,” Phó Thủ tướng nói.
Theo Dddn.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH