25/05/2022

Cánh tay nối dài cho việc tiêu thụ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Với mục đích nâng cao uy tín, hình ảnh doanh nghiệp, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng, đơn giản hóa, chuẩn hóa các quy trình giao dịch và tạo kênh bán hàng trực tuyến hữu hiệu, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet), thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương triển khai thông qua đề án khuyến công Quốc gia trong thời gian qua.

canhtay1

Từ danh sách sản phẩm tham gia Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, cấp quốc gia, do Cục Công Thương địa phương, Trung tâm khuyến công các tỉnh/thành phối phối hợp tổ chức, EcomViet đã tư vấn, hỗ trợ xây dựng 30 website thương mại điện tử bán hàng cho 30 cơ sở công nghiệp nông thôn trên toàn quốc. Đến nay, các website đã và đang phát huy tốt chức năng của mình và trở thành cánh tay nối dài trong việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

canhtay2

Doanh nghiệp còn được trang bị thêm kiến thức về tối ưu hóa website thân thiện với công cụ tìm kiếm thông qua việc lựa chọn từ khóa, soạn bài giới thiệu chuẩn SEO

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho rằng, website bán hàng là một công cụ tiếp thị trực tuyến được thương nhân quan tâm lựa chọn khi họ bắt đầu kinh doanh trực tuyến. Thông qua đề án, các cơ sở công nghiệp nông thôn (doanh nghiệp) được tư vấn lập kế hoạch kinh doanh online, giới thiệu và hướng dẫn vận hành các kênh tiếp thị online.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được trang bị thêm kiến thức về tối ưu hóa website thân thiện với công cụ tìm kiếm thông qua việc lựa chọn từ khóa, soạn bài giới thiệu chuẩn SEO,…từng bước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến.

Thông qua Chương trình Khuyến công quốc gia, EcomViet hỗ trợ các Trung tâm khuyến công trên toàn quốc nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thụ hưởng được trang bị kiến thức về thực trạng ứng dụng thương mại điện tử trên thế giới và Việt Nam, những quy định về pháp luật trong lĩnh vực này. Giai đoạn tiếp theo, EcomViet sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu xây dựng phần mềm truy suất nguồn gốc, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.

Cũng theo ông Thành, hoạt động thương mại điện tử trong thời gian dịch bệnh covid 19 vừa qua được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn triển khai. Việc doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng xu hướng ứng dụng thương mại điện tử nói chung, ứng dụng các công cụ thanh toán trực tuyến đã giúp họ giảm thiểu chi phí, làm tiền đề cho thương mại điện tử phát triển.

canhtay3

Xúc tiến thương mại trực tuyến trong doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao năng lực

Tuy nhiên, việc áp dụng giải pháp thương mại điện tử vào mô hình kinh doanh hiện nay mới chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp tại các thành phố lớn, nơi có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin dồi dào. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh, thành phố nhỏ việc áp dụng các công cụ xúc tiến thương mại trực tuyến trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) còn nhiều hạn chế.

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại, Việt Nam trong cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Tại Việt Nam, quá trình phát triển của nền kinh tế, DNVVN được xem là xương sống, chiếm số đông lực lượng lao động. Cùng với chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển TMĐT của Chính phủ và khả năng ứng biến linh hoạt trong cơ cấu tổ chức, môi trường kinh doanh tại các DNVVN tạo nên lợi thế giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc áp dụng các giải pháp TMĐT vào mô hình kinh doanh của mình.

Một số thành quả đạt được của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Đề án:

– Mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất – kinh doanh: Với chi phí đầu tư nhỏ hơn so với phương thức thương mại truyền thống do giản lược được nhiều khâu trung gian trong quá trình sản xuất – kinh doanh, nên các doanh nghiệp, cơ sở nông nghiệp nông thôn có thể mở rộng thị trường tìm kiếm đối tác, tiếp cận với khách hàng đa dạng trên khắp thế giới. Việc gia tăng nhà cung cấp dẫn đến khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, mua hàng hóa với giá thấp hơn, từ đó phát sinh nhu cầu và doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa hơn;

– Cải thiện hệ thống phân phối: Hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm hay showroom truyền thống được thay thế bằng 01 website;

– Ứng dụng mô hình kinh doanh mới: Kinh doanh qua mạng với một wesite tích hợp chức năng bán hàng trực tuyến;

– Thông tin cập nhật nhanh: Mọi thông tin trên website như hình ảnh sản phẩm, giá cả, số lượng hàng tồn kho… được cập nhật nhanh chóng và kịp thời;

– Các lợi ích khác: Nâng cao uy tín và hình ảnh doanh nghiệp, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng, chuẩn hóa quy trình giao dịch, từ đó giúp tăng năng suất, khách hàng tiếp cận thông tin nhanh và đa dạng hơn, giảm chi phí hồ sơ, giấy tờ…

 

Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/